LIỆU CÓ AN TOÀN NẾU ĂN THỰC PHẨM NHIỀU PHỤ GIA?
- 20-07-2022
Đa số các sản phẩm thực phẩm trong thành phần đều có ít hoặc nhiều các loại phụ gia thực phẩm khác nhau, mỗi một phụ gia sẽ có công dụng cụ thể cho sản phẩm. Vậy sử dụng phụ gia thực phẩm nhiều có tốt và an toàn? Nếu không sử dụng phụ gia thực phẩm có ngon và bảo quản được lâu?
1. Phụ gia thực phẩm là gì?
Phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị, làm đẹp bề ngoài tức vẻ mỹ quan của chúng. Theo Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Quốc tế (Codex Alimentarius Commission- CAC), phụ gia thực phẩm (food additives) là “một chất, có hay không có giá trị dinh dưỡng, bản thân nó không được tiêu thụ như một thực phẩm hay như một thành phần của thực phẩm, và khi bổ sung nó vào thực phẩm nhằm giải quyết mục đích công nghệ trong sản xuất, hoặc để chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, hoặc để cải thiện kết cấu, đặc tính kỹ thuật của thực phẩm đó”.
2. Nguồn gốc của phụ gia thực phẩm.
Một số phụ gia thực phẩm đã được sử dụng lâu đời, như bảo quản bằng cách làm chua với dấm (dưa chua), hoặc làm mặn với ướp muối (thịt, cá muối). Với sự ra đời và phát triển của công nghiệp chế biến thực phẩm, nay có thêm rất nhiều phụ gia thực phẩm đã được giới thiệu và sử dụng. Phụ gia thực phẩm có thể có nguồn gốc thiên nhiên, hoặc tổng hợp hoặc bán tổng hợp hóa học, đôi khi chúng cũng được được tạo ra từ vi sinh vật, chẳng hạn như các loại men (enzym) dùng để sản xuất ra sữa chua. Phụ gia thực phẩm cũng có thể là các vitamin được người ta cho thêm vào thực phẩm để tăng thêm tính bổ dưỡng…
Có thể kể một số chất thông dụng như: chất điều chỉnh độ chua (axít citric, axít tartaric, axít lactic…), chất tạo đặc (thạch rau câu hay pectin trích từ vỏ cam quít), chất giữ ẩm (sorbitol), chất nhũ hóa (lecithin trích từ đậu nành), chất chống oxy hóa (vitamin C), chất bảo quản chống nấm mốc (hóa chất propionat dùng trong bánh mì, phó mát), chất ngọt tổng hợp (aspartam), chất cung cấp dinh dưỡng (iod trong muối, axít folic trong thực phẩm dành cho phụ nữ có thai, vitamin D trong sữa bột)…
3. Sử dụng phụ gia thực phẩm nhiều có tốt và an toàn?
Phụ gia thực phẩm đều có những mặt lợi và hại tùy thuộc vào cách sử dụng và liều lượng sử dụng.
*Nếu sử dụng phụ gia thực phẩm đúng liều lượng, đúng loại sẽ có tác dụng tích cực sau đây:
- Làm cho sản phẩm ngon hơn, có thể điều chỉnh hương vị để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
- Giữ được chất lượng của sản phẩm.
- Dễ dàng chế biến, sản xuất thực phẩm.
- Thời gian sử dụng sản phẩm kéo dài, bảo quản được lâu.
- Tăng giá trị sản phẩm trên thị trường.
*Ngược lại, phụ gia thực phẩm nếu sử dụng vượt quá liều lượng cho phép sẽ gây ra cho con người nhiều tác hại đến sức khỏe:
- Gây ngộ độc cấp tính: nếu dùng quá liều cho phép.
- Gây ngộ độc mạn tính: dùng với liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên và kéo dài, một số phụ gia thực phẩm sẽ tích lũy trong cơ thể gây tổn thương. Có thể gây ra những triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, suy thận...
- Sử dụng phụ gia thực phẩm có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.
- Sử dụng phụ gia thực phẩm không vượt quá mức giới hạn cho phép.
- Sử dụng phụ gia thực phẩm đúng đối tượng thực phẩm quy định.
- Sử dụng phụ gia thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không quá thời hạn sử dụng.
- Sử dụng phụ gia thực phẩm được công bố chất lượng an toàn thực phẩm trước khi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và đã qua kiểm tra của cơ quan nhà nước.
- Đọc kỹ thành phần sản phẩm trước khi sử dụng.
- Hạn chế cho trẻ em ăn các loại thực phẩm có nhiều phụ gia.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú cần chú ý sử dụng sản phẩm thực phẩm.
- Không lạm dụng sử dụng phụ gia thực phẩm để chế biến thức ăn.
- Không sử dụng phụ gia thực phẩm nếu không cần thiết.
Trên đây là một số thông tin cần thiết cho mọi người trong việc sử dụng chất phụ gia có trong thực phẩm. Tuy nhiên, không nên sử dụng và lạm dụng nhiều vì thị trường hiện nay có rất nhiều phụ gia trôi nổi không kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm và nếu sử dụng phụ gia thực phẩm lâu dài sẽ không có lợi cho sức khỏe. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình cần chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, đọc kỹ thành phần sản phẩm, nên chọn các loại thực phẩm có thương hiệu uy tín trên thị trường, đặc biệt là có công bố chất lượng sản phẩm.