NGHỆ THUẬT ỨNG XỬ KHI XIN NGHỈ VIỆC Ở NHẬT
- 22-08-2022
Có những người nghỉ việc rồi vẫn được sếp và đồng nghiệp cũ trân trọng nhưng chẳng hiểu sao có những người lại chẳng bao giờ được nhắc đến, mà có nhắc thì cũng là với ấn tượng cực xấu. Cái đó người ta gọi là sự khác biệt trong văn hóa xin nghỉ việc, và là văn hóa chia tay đúng mực của mỗi cá nhân. Khi thôi việc cần có một thời gian nhất định để chuẩn bị. Dưới đây là các bước cần làm giúp bạn có thể thôi việc ở công ty một cách suôn sẻ!
1. Thông báo về ý định thôi việc
1. Thông báo về ý định thôi việc
Trước khi quyết định thôi việc, việc đầu tiên phải làm đó là xác nhận lại “quy định của công ty về việc thôi việc” khi kí kết hợp đồng lao động. Ví dụ, trong quy định thường có mục “trước khi nghỉ việc, cần báo trước và nộp đơn xin nghỉ việc lên cấp trên trực tiếp, và công ty trước … tháng”, nên bạn cần báo với công ty trước thời hạn đó.
Luật Lao động của Nhật quy định thời gian này là ít nhất 14 ngày, nhưng thông thường các công ty thường có quy định riêng yêu cầu báo trước 1 tháng, thậm chí dài hơn để có đủ thời gian cho việc bàn giao công việc. Khi đó bạn cần tuân thủ theo quy định riêng của công ty.
Về mặt pháp luật, người lao động khi muốn thôi việc chỉ cần thông báo và nộp Taishoku Todoke (giấy tờ thông báo quyết định thôi việc đơn phương từ người lao động đến công ty đang làm việc) trước 1 khoảng thời gian theo quy định công ty là có thể tự động nghỉ việc. Tuy nhiên, những thông báo đơn phương như vậy, có thể phát sinh những trục trặc giữa công ty và người lao động, hoặc làm mối quan hệ 2 bên xấu đi…
Do vậy, để việc thôi việc diễn ra suôn sẻ, không làm xấu đi quan hệ giữa người lao động và công ty, người lao động nên truyền đạt ý định thôi việc đến cấp trên trực tiếp càng sớm càng tốt dưới dạng Taishoku Negai (có thể thông báo nguyện vọng thôi việc bằng báo miệng, không nhất thiết phải sử dụng giấy tờ). Sau khi được cấp trên đồng ý thông qua thì người lao động sẽ nộp đơn thôi việc dưới dạng Taishoku Todoke và thôi việc sau thời gian quy định.
2. Bàn giao công việc
2. Bàn giao công việc
Sau khi đơn xin thôi việc được thụ lý hãy thông báo việc này với đồng nghiệp của bạn và sau đó bắt đầu việc bàn giao công việc. Tuỳ vào từng nội dung công việc mà cách bàn giao sẽ khác nhau.
- Nhận chỉ thị của cấp trên về việc bàn giao công việc đó cho ai, như thế nào.
- Bàn giao công việc thường có bàn giao tài liệu liên quan, khách hàng mà mình đang làm việc, gọi điện hẹn gặp với khách hàng để hẹn giới thiệu trực tiếp người sẽ làm thay mình.
- Nếu không gặp trực tiếp khách hàng, bạn có thể vừa kết hợp gọi điện và gửi email để thông báo…
Đồ dùng văn phòng phẩm, điện thoại, danh thiếp… là những thứ được mua bằng tiền của công ty vì vậy trước khi thôi việc cần phải hoàn trả toàn bộ. Thêm vào đó các dữ liệu liên quan sau khi đã bàn giao cho người phụ trách thay thế thì cần phải được xoá toàn bộ khỏi máy tính. Trừ đồ cá nhân thì toàn bộ đồ dùng phục vụ cho công việc đều được xem là tài sản của công ty.
Nếu như không có lý do thực sự đặc biệt không thể thay đổi, tránh xin thôi việc vào mùa nhiều việc của công ty. Để không làm ảnh hưởng tới những người ở lại cần làm việc hết sức mình cho đến tận ngày làm việc cuối cùng. Là người nước ngoài làm việc ở Nhật, việc thôi việc có thể liên quan đến vấn đề visa lưu trú của chính bạn. Vì thế hãy cân nhắc quyết định thôi việc hoặc thôi việc đúng quy tắc ứng xử nhé.
Leave your comment