THỞ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ GIÚP CƠ THỂ KHỎE MẠNH?

  • 23-08-2022
Thở - hay hô hấp - là hoạt động vô thức của cơ thể, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sinh hoạt của con người. các chuyên gia sức khỏe khẳng định nếu biết cách tối ưu hóa quá trình này chúng ta có thể cải thiện sức khỏe tổng thể. Trong bài viết dưới đây, Việt Labo sẽ giới thiệu đến bạn đọc những phương pháp tập thở cơ bản mà hiệu quả nhất.

Cấu tạo hệ hô hấp ở người

Hệ hô hấp bao gồm các cơ quan và mô phối hợp nhịp nhàng với nhau để giúp bạn hít thở. Bên cạnh đó, các cơ hỗ trợ cho phổi cũng là một phần trong hệ cơ quan này. Mọi thứ hoạt động cùng nhau để mang oxy đi khắp cơ thể và loại bỏ các khí thải như carbonic ra ngoài.
Hệ hô hấp có thể được chia thành 2 phần:
  • Đường hô hấp trên: bao gồm mũi, hầu họng, thanh quản. Các cơ quan này nằm ở ngoài lồng ngực.
  • Đường hô hấp dưới: gồm có khí quản, 2 lá phổi và tất cả các phân nhánh của cây phế quản (kể cả phế nang). Các cơ quan này nằm ở trong khoang lồng ngực.
Bên cạnh nhiệm vụ giúp hít vào và thở ra, hệ hô hấp còn đảm nhiệm nhiều chức năng khác như:
  • Giúp phát ra âm thanh (nói chuyện) và ngửi thấy mùi vị.
  • Mang không khí cùng với nhiệt độ và độ ẩm cho cơ thể.
  • Cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ thể.
  • Loại bỏ các khí thải, như carbonic, ra khỏi cơ thể khi thở ra.
  • Bảo vệ đường thở khỏi các tác nhân gây hại hay gây kích ứng.
Thở ra sao mới hiệu quả?

Việc kiểm soát hít thở đúng cách sẽ kích thích các dây thần kinh giao cảm của các hệ thần kinh tự chủ, không chỉ giúp làm giảm căng thẳng mà còn tăng khả năng miễn dịch.
Theo Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA), có nhiều cách để hít thở hiệu quả. Chẳng hạn, thở qua mũi giúp làm chậm hơi thở và khiến phổi hoạt động hiệu quả hơn. Quá trình này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận khí Nitric oxide (NO), phụ trách vận chuyển khí ôxy đi khắp cơ thể. Hơn nữa, thở bằng mũi còn cho phép lọc bỏ các độc tố và tác nhân gây dị ứng trong không khí, ngăn chúng xâm nhập vào cơ thể, cũng như làm ấm không khí khi trời lạnh hoặc giữ ẩm cho không khí khi trời khô nóng. Nhưng chúng ta cũng có thể đổi sang thở bằng miệng vào những lúc bị nghẹt mũi hoặc tập thể dục.
Tuy vậy, cách thở hiệu quả nhất là dùng bụng, còn gọi là “thở sâu”. Theo đó, bạn phải hít không khí vào từ từ và đi sâu qua mũi, khiến phổi đầy không khí và bụng căng lên. Theo các chuyên gia ALA, sở dĩ kỹ thuật “thở bằng bụng” hiệu quả vì nó kéo phổi xuống, tạo áp lực âm bên trong lồng ngực, giúp không khí tràn vào phổi.


người phụ nữ mặc áo trắng đang hít thở


Lợi ích của thở sâu

- Khử độc, tăng cường hệ miễn dịch. Do cơ thể đào thải 70% độc tố qua đường hô hấp, nên thở sâu có thể giúp tránh nguy cơ tích tụ độc chất trong cơ thể vốn dễ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Nếu thở đúng cách, cơ thể còn nhận được nhiều ôxy, tăng hiệu quả chuyển hóa các dưỡng chất và vitamin, nhờ đó tăng cường cả hệ miễn dịch.
- Giảm căng thẳng tinh thần (stress) và giảm đau tự nhiên. Thở sâu đúng cách giúp cơ thể nhận được lượng khí ôxy nhiều hơn, tức não cũng được cung cấp khí ôxy tốt hơn nên mang đến lợi ích giảm stress, lo âu quá mức. Hơn nữa, thở sâu còn được chứng minh là có thể giúp giảm đau do hoạt động này làm cơ thể giải phóng endorphin, hoóc-môn có chức năng  giảm đau tự nhiên và tăng sức đề kháng.
- Tốt cho nội tạng và máu. Những cử động của cơ hoành khi thở sâu có công dụng như bài xoa bóp cho nhiều nội tạng quan trọng như tim, gan, tụy, dạ dày và ruột non. Hoạt động này còn giúp loại bỏ tất cả khí CO₂, trong khi tăng cường lượng khí ôxy trong dòng máu, nên cũng gián tiếp cải thiện chất lượng máu.
- Cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân. Kỹ thuật thở đúng giúp dạ dày nhận nhiều không khí hơn, nên cũng hoạt động hiệu quả hơn. Điều này giúp cải thiện hoạt động tiêu hóa, đồng thời tăng khả năng đốt cháy mỡ thừa nên cũng giúp giảm cân hiệu quả.

Làm thế nào để thở hiệu quả?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo mọi người nên hoạt động thể chất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần để tăng cường sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe hô hấp. Ngay cả những người bệnh phổi mạn tính cũng có thể cải thiện các triệu chứng nhờ tập thể dục hợp lý, thường xuyên. Thử nghiệm các bài tập thở cũng là cách giúp cải thiện chức năng phổi, tăng cường sức khỏe hệ hô hấp.
Ngoài ra, bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể sẽ giúp làm loãng các dịch nhầy, đàm trong phổi hay đường thở. Từ đó, việc “tống khứ” các chất này ra ngoài cũng dễ dàng hơn và đường thở sẽ trở nên thông thoáng. Mỗi người cần uống đủ lượng nước theo thể trạng của mình, đừng để cơ thể thiếu nước nhưng cũng không nên uống quá nhiều nước.
Mỗi người nên dành ra một ít thời gian mỗi ngày để tập thở, nhằm tăng hiệu quả hô hấp và chức năng phổi. Ví dụ, để luyện thở bằng bụng, đầu tiên bạn hít vào bằng mũi đến khi bụng to ra và lồng ngực căng lên. Sau đó giữ hơi thở và đếm nhẩm đến 3, sau đó thở ra qua đôi môi khép hờ và đếm tới 5. Kiên trì dành 10 phút tập thở như thế hằng ngày sẽ giúp bạn quen dần với cách thở đúng.
 
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã biết được các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp hiệu quả. Một đường thở thông thoáng và hai lá phổi khỏe mạnh sẽ giúp bạn nhẹ nhàng tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.

Để lại bình luận