THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM CHỨC NĂNG TẠI NHẬT
- 12-08-2022
Nhật Bản có truyền thống ẩm thực tự nhiên và lành mạnh. Cùng với đó, khoa học công nghệ tại đây cũng cực kỳ phát triển. Chính vì thế, ngành gia công thực phẩm chức năng Nhật Bản ngày càng bùng nổ. Rất nhiều những sản phẩm phục vụ tốt cho sức khỏe được nghiên cứu và cho ra đời. Và vì sao tuổi thọ của người Nhật lại vượt trội hơn hẳn so với các quốc gia phát triển khác. Có phải vì họ có 1 chế độ chăm sóc sức khỏe vô cùng đặc biệt và thường xuyên sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) để duy trì sức khỏe? Tại sao người Nhật sử dụng TPCN nhiều nhất thế giới?
Nước Nhật là cái nôi của thực phẩm chức năng
Khái niệm “thực phẩm chức năng” xuất phát từ Nhật Bản vào năm 1984 trong một nghiên cứu khoa học do chính phủ Nhật bảo trợ, nhằm khai thác lợi ích từ thực phẩm tự nhiên, giúp tăng cường sức khỏe cho người già, giảm gánh nặng khám chữa bệnh cho hệ thống y tế. Đến năm 1991, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên chính thức công bố tiêu chuẩn chứng nhận mang tính pháp lý dành cho các loại Thực phẩm đặc biệt cho sức khoẻ (Foods for Specific Health Use – FOSHU). Đó là nền tảng để ngành thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Thị trường Thực phẩm Chức năng tại Nhật
Theo số liệu thống kê của Phòng nghiên cứu kinh tế Yano, quy mô của thị trường thực phẩm chức năng của Nhật Bản tăng từ 8659 tỉ 9000 vạn yên năm 2020 tới 8880 tỉ 3000 vạn yên tới năm 2021, tăng 2.5%.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid trên toàn cầu, cùng với việc người tiêu dùng trở nên quan tâm hơn tới sức khỏe và miễn dịch của mình, thị trường buôn bán kinh doanh online trở nên sôi động hơn đã khiến ngành sản xuất thực phẩm chức năng phát triển. Ngoài ra, việc sinh hoạt trong trạng thái cuộc sống bình thường mới new normal khiến thời gian làm việc ở nhà nhiều hơn, thời gian tập luyện di chuyển ít hơn khiến nhiều người bị tăng cân, thiếu ngủ, bất an, căng thẳng cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng trở nên quan tâm tới các thực phẩm chức năng nhiều hơn.
Các công ty sản xuất thực phẩm chức năng chiếm thị phần lớn tại Nhật là Suntory Wellness (chiếm 17% thị phần), DHC (7,4%), Yazuya (3,3%). Điểm qua tình hình kinh doanh của 2 công ty chiếm thị phần lớn nhất, có thể thấy sự trái ngược khá rõ ràng về tình hình kinh doanh những năm gần đây. Trong khi Suntory Wellness đang duy trì mức tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 7% trong những năm gần đây và doanh thu đạt hơn 102 tỷ yên (cuối niên độ kế toán tháng 3/2021), thì DHC ghi nhận doanh thu giảm liên tiếp từ 108 tỷ yên (cuối niên độ kế toán tháng 11/2018) còn 97,3 tỷ yên (11/2020), đồng thời biên lợi nhuận của công ty cũng suy giảm từ 58,5% xuống còn 56,9% qua 2 năm.
Tỷ lệ nữ giới sử dụng TPCN đang cao hơn so với nam giới. Theo “Khảo sát cơ bản về cuộc sống người dân” (2019) được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản thực hiện, có 21,7% Nam giới, 28,3% Nữ giới Nhật Bản đang sử dụng TPCN.Đối với nam giới, nhóm người từ 60 đến dưới 70 là độ tuổi sử dụng thực phẩm chức năng nhiều nhất với 28,1%. Còn đối với nữ giới, độ tuổi từ 50 đến dưới 60 tuổi là nhóm sử dụng thực phẩm chức năng nhiều nhất với 37,6%. Có thể thấy, ý thức về sức khỏe và thời kì bắt đầu sử dụng nhiều thực phẩm chức năng ở phụ nữ Nhật Bản là sớm hơn so với nam giới.
Quan niệm và lý do khiến người Nhật ưu chuộng thực phẩm chức năng
TPCN tại Nhật có chất lượng cao, an toàn và đa dạng
Đối với người Nhật, thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước có nguồn gốc nguyên liệu tự nhiên, được chứng nhận an toàn bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội với những tiêu chuẩn rất khắt khe, hơn nữa các sản phẩm luôn có chỉ dẫn rõ ràng về liều lượng, nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng an tâm khi sử dụng. Do nhu cầu sử dụng cao, ngành công nghệ dược phẩm phát triển nên thực phẩm chức năng ở Nhật Bản cũng vô cùng đa dạng. Người tiêu dùng rất dễ dàng để chọn được loại TPCN phù hợp với nhu cầu và mục đích dù ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Người Nhật dùng thực phẩm chức năng chủ yếu để duy trì sức khỏe
Theo kết quả khảo sát của công ty MyVoice (Tokyo, Nhật Bản), khoảng 70% người Nhật sử dụng thực phẩm chức năng để duy trì sức khỏe hiện tại. 25,1% sử dụng để tăng sức đề kháng. Đáng chú ý, có 17,7% người dùng thực phẩm chức năng để cải thiện sức khỏe cụ thể là của mắt. Có thể thấy, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ một loại thuốc chuyên dụng nào để tăng và duy trì thị lực nên sử dụng thực phẩm chức năng là lựa chọn tốt dành cho nhóm đối tượng này. Ở tất cả các độ tuổi, sản phẩm bổ sung Vitamin luôn được ưa chuộng nhất, người tiêu dùng thực phẩm chức năng ở lứa tuổi từ 40 trở đi có xu hướng sử dụng các sản phẩm nghệ dùng để giải rượu nhiều hơn do sử dụng nhiều đồ uống có cồn.
Thị trường gia công thực phẩm chức năng Nhật Bản hiện nay vẫn không ngừng lớn mạnh và phát triển. Các sản phẩm TPCN được sản xuất từ Nhật Bản được đánh giá rất cao trên thị trường quốc tế. Và Việt Labo hi vọng với những chia sẻ trên, mỗi người sẽ có cho mình những hiểu biết cơ bản về thực phẩm chức năng của Nhật.
Để lại bình luận