NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI THAM GIA PHỎNG VẤN CÔNG TY NHẬT BẢN

  • 01-06-2022

Làm sao để thể hiện bản thân tốt nhất trong buổi phỏng vấn với các công ty Nhật luôn là câu hỏi được nhiều ứng viên quan tâm. Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội làm việc tại các công ty Nhật Bản, thì hãy lưu ý những điều sau để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng khi tham gia phỏng vấn nhé!

Tổng quan bài viết:

  1. Chuẩn bị trước khi tham gia phỏng vấn
  2. Trong quá trình phỏng vấn
  3. Sau khi phỏng vấn
-----------------------------------------------
  1. Chuẩn bị trước khi tham gia phỏng vấn
     a. Tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp

Người Nhật quan trọng thái độ hơn trình độ vì thế việc tìm hiểu chi tiết thông tin về doanh nghiệp cho thấy rằng ứng viên hiểu rõ, quan tâm và mong muốn công việc này đến mức nào.  Đây là một điểm cộng vô cùng lớn trong mắt các nhà tuyển dụng. Người Nhật thường gắn bó rất lâu với doanh nghiệp của mình, vì thế họ muốn lựa chọn những ứng viên thực sự phù hợp, có thể cùng phát triển lâu dài với công ty.

hình đồ hoạ 1 người phụ nữ và 2 người đàn ông đang phỏng vấn với 1 nhân viên bộ phận tuyển dụng


      b. Hiểu rõ bản thân

Đây có thể coi như là một phần dễ tuy nhiên lại rất khó để trả lời. Những câu hỏi thường gặp như là: 

  • Điểm mạnh/ yếu của bản thân? 
  • Tại sao bạn nghĩ bản thân phù hợp với công việc này?
  • Lý do bạn chọn công ty/ công việc này?
  • Mục tiêu ngắn/ trung/ dài hạn của bạn?
Thông qua những câu hỏi đó, nhà tuyển dụng đã có thể đánh giá được liệu bạn có phù hợp với công việc/ công ty này hay không?

Lưu ý một điều rằng, khi trả lời các câu hỏi trên, bạn nên trả lời đúng với khả năng thực tại của bản thân, tránh các câu văn mẫu trên những trang mạng xã hội. Đặc biệt khi trả lời về phần điểm yếu của bản thân, nên đưa ra giải pháp/ những cố gắng của bạn để cải thiện nhược điểm này.

     c. Chuẩn bị những câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Trong quá trình tìm hiểu công việc, nếu có điểm nào thắc mắc/ chưa rõ hãy mạnh dạn đặt câu hỏi cho công ty để được giải đáp. Tuy nhiên, đừng đặt những câu hỏi đương nhiên/ câu hỏi về các thông tin đã có sẵn vì nó sẽ làm bạn mất khá nhiều điểm trong mắt các nhà tuyển dụng đấy.

     d. Trang phục, tác phong khi tham gia phỏng vấn
  • Ăn mặc lịch sự, chỉn chu
  • Áo sơ mi trắng, được là phẳng
  • Đầu tóc gọn gàng
  • Gương mặt tươi tắn
Bạn có thể tham khảo chi tiết về tác phong, trang phục khi tham gia phỏng vấn ở bài viết này: https://vietlabo.com/vi/tac-phong-khi-tham-gia-phong-van-cong-ty-nhat-ban

     e. Kiểm tra kết nối mạng

Đối với phỏng vấn offline thì việc này là không cần thiết. Tuy nhiên đối với việc phỏng vấn online thì ứng viên nên kiểm tra tình trạng wifi/ 3g để hạn chế việc mất kết nối giữa chừng.

Dù biết việc mất kết nối mạng là vấn đề khách quan tuy nhiên nếu ngắt kết nối quá nhiều lần thì chất lượng của buổi phỏng vấn sẽ không được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Khi tham gia phỏng vấn Online, bạn nên vào phòng trên ứng dụng ZOOM hoặc GOOGLE MEET trước 5 phút. Dù đôi khi nhà tuyển dụng vẫn chưa có mặt nhưng thời gian đó đủ để bạn xử lý những lỗi nhỏ như mic, camera trên máy. 

Một điều cần lưu ý nữa là khi tham gia phỏng vấn, ứng viên nên chọn ngồi ở một nơi thích hợp, có thể ngồi tại nhà hoặc quán cà phê. Tuy nhiên, không gian đó phải hạn chế tiếng ồn và tạo cảm giác thoải mái để ứng viên có thể trình bày về bản thân mình một cách tốt nhất.

     f. Kiểm tra/ phản hồi điện thoại, Email trước khi tham gia phỏng vấn

Trước khi tham gia phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với ứng viên thông qua Email hoặc số điện thoại để thông báo thời gian, địa điểm, yêu cầu khi tham gia phỏng vấn vì thế ứng viên nên kiểm tra thường xuyên để có thể nhận được thông tin kịp thời.

Bên cạnh đó, sau khi nhận được thông báo, bạn nên phản hồi lại để nhà tuyển dụng biết được bạn đã nhận được thông tin. Trong trường hợp có những vấn đề phát sinh, hãy liên hệ với nhà tuyển dụng để họ có thể sắp xếp thời gian phỏng vấn của bạn.

  1. Trong quá trình phỏng vấn
  • Giọng nói rõ ràng, rành mạch
  • Trả lời đúng trọng tâm câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra
  • Thể hiện sự tự tin qua ngôn ngữ và hành động
  • Để điện thoại ở chế độ rung khi phỏng vấn
  • Ghi chép thông tin cần thiết
  1. Sau khi phỏng vấn
  • Viết mail cảm ơn 

Mục đích của việc viết thư cảm ơn là lưu lại ấn tượng tốt đối với các nhà tuyển dụng, đồng thời tăng thêm tính thành công trong quá trình xin việc của bạn. Mở đầu một bức thư cảm ơn, bạn nên ghi rõ đầy đủ họ tên, tóm lược thời gian và quá trình phỏng vấn của mình. Đừng quên viết lời cảm ơn trân trọng tới quý công ty đã dành thời gian và cơ hội cho bạn.


 



 

Để lại bình luận