ĐĂNG KÍ NHÃN HIỆU VÀ MỘT SỐ THÔNG TIN CẦN BIẾT

  • 20-07-2022
Như chúng ta đã biết, chức năng chính và bản chất của nhãn hiệu là để người tiêu dùng phân biệt một sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) của các cá nhân/pháp nhân này với cá nhân/pháp nhân khác. Chính vì vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu (hay còn gọi là xác lập quyền của chủ sở hữu với nhãn hiệu) và tạo cho mình một nhãn hiệu mang “tính khác biệt và độc nhất” giữa các nhãn hiệu của các đối thủ cạnh tranh có thể coi được là việc quan trọng nhất ngay từ thời điểm khởi đầu việc kinh doanh, để người tiêu dùng nhận ra mình trong muôn vàn các nhãn hiệu trên thị trường.

1. Tại sao phải đăng kí nhãn hiệu?
Nếu bạn chờ đến khi doanh nghiệp mình có uy tín thông qua hàng hoá, dịch vụ có chất lượng rồi mới đăng ký nhãn hiệu; Thì khi ấy rất có thể các doanh nghiệp khác (đối thủ cạnh tranh) đã thực hiện đăng ký trước chính nhãn hiệu của bạn. Nếu đúng như vậy, thì bạn phải dừng việc sử dụng nhãn hiệu đó hoặc tiến hành các thủ tục (không phải dễ dàng) để đòi lại nhãn hiệu. Ngoài ra chưa tính đến việc khi bạn không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thì bất cứ ai cũng có thể sử dụng nhãn hiệu của bạn mà không thể coi là vi phạm pháp luật được.
Vì thế, đây chính là việc quan trọng nhất ngay từ thời điểm khởi đầu việc kinh doanh. Để làm được điều này, các chủ sở hữu bắt buộc phải chú trọng đầu tư vào việc tìm ý tưởng, thiết kế, tra cứu và tìm kiếm phương án tối ưu để tạo nên một nhãn hiệu gắn trên sản phẩm của mình vừa phải nổi bật, có khả năng phân biệt, và đặc biệt quan trọng nhất là nhãn hiệu đó phải có khả năng được bảo hộ độc quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.

người cầm cây viết vẽ chữ Brand và những hình mình họa cho nó

2. Cơ quan nào thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu?
Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ là Cơ quan thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cục SHTT hiện đang có 03 địa chỉ sau:
- TRỤ SỞ CỤC SHTT TẠI HÀ NỘI
Số 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
- VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỤC SHTT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
- VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỤC SHTT TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

3. Ai có thể đăng ký nhãn hiệu?
  • Bất kì cá nhân/pháp nhân nào đều có quyền đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Tức là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể là cá nhân (tên và địa chỉ đầy đủ từ số nhà, phố, phường, quận/huyện, quốc gia), nhiều cá nhân (đồng chủ sở hữu) hoặc pháp nhân (công ty, tổ chức được thành lập hợp pháp), nhiều pháp nhân (đồng chủ sở hữu);
  • Các cá nhân/pháp nhân đề cập ở trên có thể có quốc tịch Việt Nam và nước ngoài, không giới hạn quốc gia nào;
  • Nếu cá nhân/pháp nhân có quốc tịch Việt Nam thì có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp với trụ sở hoặc chi nhánh của Cục SHTT. Nếu cá nhân/pháp nhân có quốc tịch nước ngoài thì không được nộp đơn trực tiếp với Cục SHTT mà phải uỷ quyền cho 01 tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp đã được Cục SHTT ghi nhận thay mặt mình làm việc với Cục SHTT.

chữ brand màu xanh


4. Hồ sơ đăng kí như thế nào?
- Giấy phép đăng ký kinh doanh: 02 Bản sao y công chứng
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
- Mẫu nhãn hiệu hàng hóa: 12 mẫu có kích thước không nhỏ hơn 70x70mm.
- Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Chứng nhận thừa kế, chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn) .

Trên đây là một số thông tin về việc đăng kí nhãn hiệu. Để đánh dấu mình trên thị trường một cách duy nhất, riêng biệt và quan trọng nhất là KHÔNG XÂM PHẠM quyền của bất kì chủ thể nào khác, cũng là để mặc tấm áo giáp bảo vệ mình trong suốt quá trình kinh doanh tiếp theo thì mỗi cá nhân cũng như doanh nghiệp cũng đừng nên ngần ngại mà đăng kí nhãn hiệu của riêng mình nhé.

Để lại bình luận